Nếu bạn hỏi những người bình thường rằng họ có muốn thành công hay không, hầu hết câu trả lời bạn nhận được sẽ là “Có”. Nhưng nếu bạn tiếp tục hỏi họ rằng thành công là gì, hầu hết câu trả lời sẽ chỉ mang tính “chung chung”: một công việc ổn định, nhà đẹp xe sang,… Cách mà họ trả lời sẽ mang đến cho bạn cảm giác tựa như có một khoảng cách giữa họ và định nghĩa “thành công” này, đó chính là nỗi sợ thành công.
Nỗi sợ thành công
Sự thật là hầu hết mọi người đều sợ điều gì họ cho là “thành công”.
Thành công ở đây tất nhiên phụ thuộc vào bạn: những điều bạn mong muốn nhưng chưa từng đạt được trước đây – đây là những điều vượt trên định nghĩa “bình thường” và nằm ngoài vùng an toàn của bạn.
Nếu bạn hỏi họ có muốn thành công này hay không, họ sẽ trả lời là có. Nhưng sự thật là họ chưa sẵn sàng với thành công này.
Thành công đồng nghĩa với việc thay đổi và hi sinh.
Thành công đồng nghĩa với việc bạn phải hi sinh cách tư duy, thói quen, thân phận hiện tại để thay đổi cách tư duy, thói quen và thân phân phù hợp để thành công.
Ví dụ một người muốn trở thành vận động viên marathon chuyên nghiệp nhưng họ không muốn thay đổi cách tư duy, thói quen và thân phận của một động viên chuyên nghiệp, đây chính là nỗi sợ thành công.
Tôi dám khẳng định với bạn, điều mà hầu hết mọi người muốn không phải là thành công mà chính là “không-thất-bại”. Điểm khác biệt là gì? Một cái là làm vừa đủ để không thất bại, một cái là hành động vượt xa định nghĩa bình thường.
Nguyên nhân của nỗi sợ thành công
Con người là động vật bày đàn, lối sống của chúng ta mang tính xã hội vô cùng lớn; vì thế, ưu tiên của chúng ta không phải là thành công và đứng trước tất cả mọi người mà là không thất bại và hòa mình vào đám đông. Con người sợ phải đứng một mình, họ sợ việc phải có chính kiến và hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình. Thay vào đó, họ ưu tiên đi theo đám đông và bắt chước những điều những người xung quanh thực hiện.
Bạn biết rõ rằng tư duy, thói quen và hành động dẫn đến thành công khác với tư duy, thói quen và hành động của một người bình thường. Điều này có nghĩa, để chinh phục thành công mục tiêu của bản thân, người bình thường phải sẵn sàng hi sinh tư duy, thói quen và cách hành động hiện hữu của bản thân họ.
Sự thay đổi này tương tự như một sự thay đổi trong thân phận: họ phải hi sinh thân phận hiện tại để đạt được một thân phận mới phù hợp với mục tiêu họ mong muốn.
Bạn có sẵn sàng từ bỏ thân phận hiện tại để đạt đến thành công? Bạn có sẵn sàng hi sinh cách tư duy cũ kĩ để lập trình cách tư duy thành công? Hãy tìm hiểu thêm các chương trình đào tạo.
Vòng lặp nỗi sợ thành công
Con người là động vật của di truyền, xã hội và thói quen: những điều cha mẹ không làm thì con cái không làm, những điều đám đông không làm thì cá nhân không làm, những điều trước đây không làm thì sau này không làm.
Điều mà hầu hết mọi người muốn là sự bình thường, là sự ổn định, là sự nhàn hạ không phải phát triển chứ không phải là thành công.
Nếu bạn không nhận ra vòng lặp thì nỗi sợ thành công sẽ tiếp diễn, bạn sẽ tiếp tục mong muốn và mơ ước thành công mà không thay đổi bất cứ điều gì để đạt được nó.
Nỗi sợ thành công là một vòng lặp luẩn quẩn mà cách duy nhất để phá vỡ nó là ý thức về khát khao của bạn.
Giả danh "ổn định"
Ổn định chính là danh nghĩa mà nỗi sợ thành công sử dụng để không phải làm gì cả: không phải suy nghĩ, không phải tư duy, không phải hành động; chỉ cần vận hành theo cách thói quen ngày này sang ngày khác.
“Ổn định” mang đến cho chúng ta cảm giác an toàn giả tạo, cho chúng ta lí do để không thay đổi, không sáng tạo, không cải tiến. “Bình thường” cho chúng ta lí do để không trở nên xuất chúng, không khai phát toàn bộ tiềm năng của chúng ta.
Thành công là kết quả của quá trình tư duy thành công, hành đông thành công và các thói quen thành công. Hãy xác định rõ thân phận của bạn:
- Người bình thường: vậy là bạn không mong muốn thành công và các kết quả phi thường, không sao cả, nhưng trước khi chắc chắn về quyết định này, hãy đọc bài viết Bất mãn với sự tầm thường.
- Người thành công: nếu đây là điều bạn quyết định, hãy đọc tiếp bài viết.
Thành công
Chúng ta thường nói về kết quả của thành công nhưng không nói về cái giá của nó. Thành công chính là thành quả của những thói quen thành công.
Ở bài viết này, chúng ta phải chấp nhận một sự thật: thành công không hề đơn giản, không phải ai cũng có thể và xứng đáng nhận được nó.
Không có một bí kiếp, phương thức hay con đường nào đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được thành công. Nhưng nếu có một loại người có khả năng cao nhất đạt được nó thì đó chính là những người khao khát thành công nhất.
Đây là mẫu người xem “thành công” như thể một vật trong túi của họ, cả ngày họ chỉ nghĩ về mục tiêu của bản thân và bị ám ảnh bởi nó. Đối với họ thành công không là một giấc mơ mà là mục tiêu, kế hoạch và hành động.
Những người khao khát chiến thắng nhất là những người chiến thắng. Đây là những người sẽ chuẩn bị mọi bước để chiến thắng, thực hiện mọi hành động dẫn đến chiến thắng và sẵn sàng hi sinh mọi nguồn lực để đạt được chiến thắng.
Cơ hội sẽ chỉ là cơ hội khi bạn phát hiện ra nó, và chỉ khi thật sự tập trung tìm kiếm cơ hội, bạn mới nhận ra cơ hội. Bạn có để ý rằng khi tâm trí của bạn đang nghĩ đến một ai hay một điều gì đó, “tần suất” người hay điều đó xuất hiện trước mặt bạn trở nên nhiều hơn? Đây chính là hiệu ứng cocktail: bạn chỉ nhận thức những điều bạn để ý.
Và cơ hội sẽ chỉ là cơ hội khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng. Một mảnh đất màu mỡ phải được cày bừa kĩ lưỡng thì khi hạt giống đến mới phát triển thành một ruộng vườn sum suê, nếu không thì nó vẫn chỉ là một mảnh đất màu mỡ.
Hãy tưởng tượng tương lai mà bạn mong muốn và tự hỏi: kiểu người nào đạt được những kết quả như thế này? Họ tư duy, vận hành và sở hữu những thói quen như thế nào? Điều mà tôi cần làm bây giờ là gì?
Hãy bắt đầu hành trình thay đổi bản thân của bạn ngay với bài viết 6 Bước để thay đổi bản thân.